ĐÔI ĐIỀU CHIA SẼ VỀ VIỆC SỬ DỤNGPHẦN MỀM VÀ BINH BỐ ( dân trong nghề gọi là thiết kế phương án kiến trúc)
Mới triễn khai xong phương án nhà phố giao cho khách hàng. Bữa nay rảnh, trong khi chờ phản hồi, mình cò mấy ý đặng gởi tới những người quan tâm coi chơi để tìm hiều thêm.
Một cách binh của kiến trúc sư |
1. Phần mềm không phải là "binh bố".
Bây giờ chuyển sang nói chuyện kiếm hiệp. Tỷ dụ bạn muốn quánh kiếm. Đầu tiên là phải... mua kiếm. Muốn quánh đao, thì mua đao, muốn quánh chuỳ thì mua chuỳ. Túm lại là phải có "hàng" lận lưng. Ra trận mà không có binh khí thì chết chắc. Và phần mềm nó giống như binh khí. Mua được binh khí mà hẻm biết xài thì cũng như không.
Vậy chứ xài là xài mần sao? Hồi giờ mấy tay giáo đầu (thầy dạy võ) mà ra trận là dễ bị chết lắm. (Giáo đầu Lâm Xung thì hẻm tính nghen). Vì sao vậy? Cái này gọi là "chết vì biết quá nhiều". Cái gì cũng biết (thầy mà), ra trận lấy ra
xài tùm lum là banh thây.Tỷ dụ, quánh đao ở trên ngựa thì xài có mấy món như đỡ, gạt, đâm, bổ, hất, né qua né lại...; xài đủ món lộn qua lộn lại, lòn bên trái, lòn bên phải, song phi trước, đá hậu sau...như ở trên đất bằng thì đâu có được. Đòn gì cũng biết, ham đòn, bởi vậy chết quài. Hehe...
Phần mềm cũng vậy. Một món biết chừng 10 lệnh là vẽ được 80-90% tác vụ. Một năm mà "mài" 10-15 lệnh thôi thì khi vẽ rào rào không cần phải suy nghĩ. Còn lâu lâu rớt vô mấy cái hẻm biết, thì hỏi anh Gúc. Mà cũng chả lo, 10% đó rất lâu mới gặp. Giống như xài tiếng mẹ đẻ vậy, phần đông chỉ biết có 80-85% từ vựng; mà xài cả đời có chết con ma nào đâu?
Mắc chi học cả trăm lệnh mà khi xài thì lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Khi "binh" ngồi nghĩ quài hẻm biết cái lệnh nó nằm đâu. Hehe...
Thành ra, không phải là "làm được", mà "làm trong bao lâu" mới là quan trọng. Lên ngựa quánh nhau, ai cũng biết xài binh khí, nhưng có lẹ hơn đối phương hay không mới là vấn đề. Ngày nay, dân thiết kế đông hơn quân Nguyên, thử việc mà chậm hơn bọn nó là kể như... húp cháo.
Tên lính nào như máy, 1 tờ A0 đặc ken mà vẽ trong một buổi thì coi như sếp cười như nghé.
Ấy là mới làm hoạ viên được thôi nghen. Học 5-7 phần mềm, múa rào rào được; thì cứ là hoạ viên, dù giỏi đến 5-7 công đoạn. Chưa thể là người thiết kế được. Binh bố nó ở đẳng cấp khác.
Phác thảo tìm ý chỉ có kiến trúc sư mới làm được |
2. "Binh bố" là gì?
Đầu tiên, phải nói đàn anh (nhưng phải cỡ tuổi chú, bác, ông...) ở Kiến trúc Saigon tạo ra chữ này thật là "siêu" nghề. Chỉ cần thoáng nghe đã biết từ này xuất phát từ cụm từ "bày binh bố trận". Nó không mang nghĩa đơn thuần là "vẽ", "sáng tác", "xếp đặt", "thể hiện"; mà mang tính chất tổng hợp các hành động trên. Hơn nữa nó còn mang tính "quyết sách", "chiến lược" đầy trí tuệ của bậc cầm quân khi xưa.
Và nó rất đúng về mặt bản chất: binh bố trong thiết kế thực chất là giải bài toán tối ưu với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tham số.
(Đó là các yêu cầu về kỹ thuật -công nghệ; các yêu cầu về tạo hình; các yêu cầu về văn hoá. Nội nói về yêu cầu về kỹ thuật - công nghệ thôi đã lên đến hơn trăm yêu cầu về môi trường; khí hậu, địa lý; công nghệ xây dựng, vật liệu; v.v... Khía cạnh văn hoá cũng vậy, nó cũng có hàng trăm vấn đề văn hoá vùng, miền; về văn hoá ứng xử; về sự giao thoa giữa chúng... Huhu..).
Và để tìm ra "nghiệm" này, người thiết kế phải dùng mọi "thủ đoạn": khi thì phải mạnh dạn lược bỏ nhiều yêu cầu, khi thì chấp nhận "hy sinh", khi thì phải "chung sống hoà hoãn" với các tham số, lúc thì phải giải quyết xung đột giữa chúng. Để cuối cùng chọn ra phương án khả dĩ chấp nhận được. Mà quan trọng nhất nó phải "ấn tượng".
Thế không gọi là "binh bố", thì gọi là gì?
(Nó nhức đầu không thua... quánh bài. Có lẽ các bậc tiền bối phong lưu khi xưa đã nghĩ ra từ này khi "binh" xập xám?! Giới thiết kế Hà Nội không biết xài từ này. Chính vì thế, nó chưa phải từ "toàn dân"?!!!
Theo thiển ý, nó hay không kém từ "tiền áp" mà dân miền Nam đã nghĩ ra thay cho cụm từ tối nghĩa "ứng suất trước" mà dân Bắc Hà tự cho là nhiều chữ hay dùng).
3. Thật là buồn, khi một phần không nhỏ hiện nay luôn nghĩ rằng học vài phần mềm là biết thiết kế. Sinh viên nghĩ vậy là đã thụt lùi. Giảng viên đại học nghĩ vậy thì điên đảo. Còn người lập ngành mà nghĩ vậy thì đại bất hạnh cho bá tánh. Rất tiếc.
Mua được vài cây bút, tẩy..., không có nghĩa là biết vẽ.
Múa thương, đoạt kích siêu lắm chỉ có thể làm tuỳ tướng, chiến tướng. Lã Bố và Điển Vi thì ở dạng này. Không những võ nghệ phải siêu quần, mà còn phải biết bày binh bố trận thì mới xem là đại tướng. Hổ tướng thì có thể xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Ngày nay, xài như sấm chớp phần mềm thì được xem như lính (chính quy). Còn, mò mẫm được 5-7 phần mềm thì mới chỉ làm lâu la cướp núi mà thôi.
Tất nhiên, cũng ngày nay, tướng chủ trì mà không [biết] xài phần mềm, thì chỉ giống như quan văn. Khi cần không xông pha mà giữ tôn nghiêm được.
(Lính lác "binh lủng" hay "binh lụi" mà không kiểm tra được, bị chủ đầu tư chửi như con cẩu, thì ở đó mà "tôn nghiêm"? Hehe...).
Blogger Comment
Facebook Comment